You are currently viewing Chồng có quyền đơn phương ly hôn khi vợ không đồng ý không?

Chồng có quyền đơn phương ly hôn khi vợ không đồng ý không?

Chồng có quyền đơn phương ly hôn khi vợ không đồng ý không? Các trường hợp pháp luật cấm người chồng ly hôn đơn phương.

Tóm tắt câu hỏi:

Luật sư cho em hỏi. hiện tại em và chồng em kết hôn được 4 năm. bây giờ cuộc sống không hạnh phúc nên anh ấy muốn ly hôn. Chúng tôi có con nhỏ 4 tuổi hiện tại do ông bà nội chăm sóc. em không đồng ý ly hôn. chúng em ly thân được mấy tháng và hiện tại chồng em có người khác và đang muốn làm thủ tục ly hôn. Luật sư cho em hỏi nếu chồng em đơn phương ly hôn thì có được không? em nghe nói có luật nếu con cái dưới 12 tuổi thì không được đơn phương ly hôn. cho em hỏi như vậy có đúng ko ạ?

Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty Luật sư Trần Hải Ánh. Với thắc mắc của bạn, Công ty Luật sư Trần Hải Ánh xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007

2. Nội dung tư vấn:

Cuộc sống hôn nhân khủng hoảng, căng thẳng vì những mâu thuẫn về việc cơm áo, gạo tiền, sự không chung thủy…. khiến cho nhiều người tìm đến ly hôn như một sự giải thoát cho chính mình. Trường hợp của chồng bạn cũng là một ví dụ. Để giải đáp thắc mắc của bạn về vấn đề này, cần xem xét các phương diện sau:

Trước hết, ly hôn, theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được xác định là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Về vấn đề ly hôn, tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được trích dẫn ở trên thì khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc thì vợ hoặc chồng, hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, khi người vợ đang mang thai, đang sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn.

Việc ly hôn có thể thực hiện theo hai hình thức: thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn. Trong đó:

Thuận tình ly hôn, theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, được hiểu là trường hợp cả vợ và chồng cùng yêu cầu ly hôn, đều cùng mong muốn chấm dứt cuộc hôn nhân, cùng tự nguyện ký vào đơn ly hôn. Trường hợp này, khi vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, mà xét thấy hai bên vợ chồng tự nguyện ly hôn, và đã thỏa thuận được với nhau về vấn đề phân chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn. Trường hợp hai vợ chồng đều mong muốn ly hôn, đều có yêu cầu ly hôn nhưng không thỏa thuận về vấn đề tài sản, việc trông nom, chăm sóc con hoặc có thỏa thuận nhưng không đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của vợ và con thì Tòa án sẽ giải quyết định việc ly hôn.

Còn đơn phương ly hôn, hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp ly hôn khi chỉ có yêu cầu ly hôn của một bên, không có sự đồng thuận, thống nhất giữa vợ và chồng về vấn đề ly hôn. Việc đơn phương ly hôn đơn phương được quy định cụ thể tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, theo đó:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Từ những phân tích ở trên, xem xét trong trường hợp của bạn, hiện tại vợ chồng bạn đã kết hôn được 4 năm, nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, chồng bạn lại có hành vi ngoại tình nên vợ chồng bạn đã ly thân một thời gian. Con của bạn hiện tại mới 4 tuổi, do ông bà nội chăm sóc. Hiện tại, chồng của bạn muốn ly hôn nhưng bạn không đồng ý. Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 51, Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được trích dẫn ở trên, xét thấy:

Khi cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì chồng của bạn có quyền yêu cầu ly hôn dù bạn không đồng ý. Đồng thời, con của bạn đã 4 tuổi nên chồng bạn cũng không bị hạn chế về quyền yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Khi bạn không đồng ý ly hôn thì chồng của bạn vẫn có quyền ly hôn theo hình thức đơn phương ly hôn.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, đối với việc ly hôn đơn phương của chồng bạn, nếu sau quá trình hòa giải tại Tòa án, mà hòa giải không thành, tức là bạn vẫn giữ quan điểm không muốn ly hôn còn chồng bạn vẫn muốn ly hôn, thì Tòa án chỉ giải quyết cho việc ly hôn của chồng bạn nếu bạn, hoặc chồng bạn cung cấp được các chứng cứ, chứng minh căn cứ ly hôn là vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng và hành vi này làm cho cuộc sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, buộc phải ly hôn. Trong đó:

– Hành vi bạo lực gia đình, theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, được xác định là hành vi cố ý của gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình thường thể hiện ở các hành vi như hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm phạm sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên gây hậu quả tâm lý nghiêm trọng; Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;…

– Còn hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng là những hành vi xâm phạm nghĩa vụ chung thủy, yêu thương, tôn trọng giữa vợ chồng, thường thể hiện ở hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của vợ, chồng, ngoại tình…

Trường hợp chồng bạn không cung cấp được các chứng cứ chứng minh căn cứ ly hôn theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình được trích dẫn ở trên thì Tòa sẽ không giải quyết ly hôn cho chồng bạn dù chồng bạn đã có đơn yêu cầu.

Như vậy, qua phân tích ở trên, chồng của bạn vẫn có quyền đơn phương ly hôn cho dù bạn không đồng ý. Tuy nhiên để Tòa án giải quyết sau quá trình hòa giải không thành, và bạn không đồng ý ly hôn thì chồng của bạn phải cung cấp chứng cứ chứng minh căn cứ ly hôn theo quy định. Nếu không có chứng cứ chứng minh giữa bạn và chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giữa vợ và chồng, dẫn đến tình trạng hôn nhân lâm vào bế tắc, khủng hoảng thì Tòa án sẽ không giải quyết việc ly hôn của chồng bạn. Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể.

Nguồn: https://hoidapphapluat.vn/chong-co-quyen-don-phuong-ly-hon-khi-vo-khong-dong-y-khong/