Công chức, viên chức là gì? Phân biệt công chức và viên chức

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và luật viên chức 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020 đã tập trung hoàn thiện các vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến công chức, viên chức giúp người đọc hiểu rõ các khái niệm về công chức và viên chức, đồng thời hiểu rõ hơn về hoạt động công vụ của công chức, hoạt động nghề nghiệp của viên chức.

Bên cạnh đó, còn cung cấp cho người đọc những kiến thức pháp luật về quy chế pháp lý của công chức, viên chức. Thông qua những quy định đó, giúp ta nhận biết rõ những điểm khác biệt cơ bản giữa công chức và viên chức. Trong phạm vi bài viết này Luật sư Trần Hải Ánh sẽ nêu ra những điểm khác biệt giữa công chức và viên chức dựa trên một số tiêu chí sau đây:

1. Công chức là gì?

Căn cứ tại Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 thì:

– Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Ngoài định nghĩa chung theo quy định trên, Luật cán bộ, công chức còn có các quy định riêng đối với công chức cấp xã (phường).

– Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

>> Tư vấn quy định về công chức và viên chức, gọi:0905 648 567

2. Viên chức là gì?

Luật viên chức 2010 quy định về viên chức như sau:

– Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

– Đặc biệt, theo Luật Cán bộ, công chức 2008, người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xem là công chức. Tuy nhiên, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) thì khái niệm công chức không còn đối tượng công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là viên chức.

3. Phân biệt công chức và viên chức

Để phân biệt giữa công chức và viên chức cần xác định và căn cứ theo những tiêu chí cơ bản về chế độ làm việc, chế độ tiền lương, tiền công, chế độ bảo hiểm xã hội, quyền lợi khác và vấn đề xử lý kỷ luật, cụ thể như sau:

3.1 Về chế độ làm việc

– Chế độ làm việc đối với công chức

Chế độ làm việc của công chức: Đối với công chức thì được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong các cơ quan:

+ Trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

+ Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

+ Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

– Chế độ làm việc đối với viên chức

Đối với viên chức, làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ); Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).

3.2 Chế độ về tiền lương của công chức, viên chức

Công chức, viên chức được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao; ngoài ra sẽ được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hợp làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc làm việc trong ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù. Bên cạnh đó, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật, tuy nhiên nguồn chi trả tiền lương đối với công chức, viên chức khác nhau:

– Công chức thì hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

– Viên chức thì hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

3.4 Chế độ về bảo hiểm và các quyền lợi khác của công chức và viên chức

Ngoài chế độ tiền lương, công chức và viên chức sẽ được đảm bảo thêm các quyền lợi về học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về bảo hiểm thất nghiệp thì chỉ viên chức thuộc đối tượng tham gia, công chức không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3.5 Xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì đối với công chức, bao gồm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì áp dụng 06 hình thức xử lý kỷ luật bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Đối với viên chức, bao gồm viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý thì áp dụng 04 hình thức xử lý kỷ luật bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật sư Trần Hải Ánh về một số điểm khác biệt giữa công chức và viên chức. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn tìm hiểu thêm vấn đề này bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.

>> Giải đáp vướng mắc về viện chức, công chức gọi:0905 648 567

4. Phương thức tuyển dụng công chức, viên chức như thế nào?

Câu hỏi:

Em tên là, Hiện nay em đang gặp một số khó khăn liên quan đến hồ sơ công chức, viên chức em rất mong được giúp đỡ tư vấn thêm về lĩnh vực này: Cuối năm 20xx em nộp hồ sơ xin việc tại Phòng Nội vụ huyện theo hình thức xét tuyển vào vị trí việc làm tại Phòng Tài nguyên &MT. Đến ngày 29/12/20xx em nhận được Quyết định của UBND huyện về việc hợp đồng và điều động viên chức, nội dung: Quyết định hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao của Phòng TNMT với thời gian thửa việc là 6 tháng bắt đầu từ ngày 01/01/201x, hưởng quỹ lương sự nghiệp.

– Em bắt đầu đi làm đến khi hết 6 tháng thửa việc em được nhắc là viết bản kiểm điểm và phòng Tài nguyên đã trình xin bổ nhiệm em vào ngạch chính thức.

– Ngày 28/7/201x UBND huyện có Quyết định “Công nhận hết thời gian thử việc và bổ nhiệm chính thức vào ngạch viên chức” đối với em kể từ ngày 01/6/201x – Đến nay khi Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh vào thanh tra Phòng Nội vụ kết luận hồ sơ của em sai quy trình tuyển dụng, không có Quyết định tuyển dụng và yêu cầu em phải thi công chức lại từ đầu.

Vậy em muốn được tư vấn:

– Em đi làm đã được 7 năm thì 6 năm liền em đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được tăng lương trước thời hạn, và có Quyết định cử đi học chuyên môn nghiệp vụ (Đại học vừa học vừa làm đến nay còn 2 tháng nữa thì tốt nghiệp),

Vậy hồ sơ tuyển dụng của em kết luận là sai vậy sai là do đâu và đơn vị nào làm sai? Kết luận của Thanh tra Sở yêu cầu em phải thi tuyển dụng lại từ đầu có đúng không? Có đảm bảo quyền lợi cho người lao động cho em không? Để khắc phục sai sót đó thì căn cứ theo quy định có những hướng giải quyết nào và cuối cùng ai là người phải chịu trách nhiệm? Em hi vọng sớm nhận được sự tư vấn tốt nhất của luật gia, Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật sư Trần Hải Ánh, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn nộp hồ sơ xin việc tại Phòng nội vụ huyện theo hình thứcxét tuyểnviên chức. Ngày 29/12/2009, bạn đã có “Quyết định tiếp nhận viên chức” với thời gian tập sự là 6 tháng. Hết thời gian tập sự bạn có “Quyết định công nhận hết thời gian thử việc và bổ nhiệm chính thức vào ngạch viên chức”. Tuy nhiên, chúng tôi không rõ tại sao hiện nay thanh tra Sở nội vụ thực hiện việc thanh tra và kết luận việc tuyển dụng của bạn là sai quy trình,không có quyết định tuyển dụng.Để làm rõ vấn đề này cần xem xét rõ kết luận thanh tra của Sở nội vụ để xác định việc tuyển dụng sai do đâu và đơn vị nào làm sai, vấn đề này chúng tôi không nắm rõ thông tin nên không thể kết luận cho bạn được.

Về hướng giải quyết trong trường hợp quy trình tuyển dụng viên chức của bạn là sai: Hiện tại, Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể và hướng xử lý trong trường hợp viên chức đã được tuyển dụng nhưng sai về quy trình tuyển dụng. Đây cũng không phải là một căn cứ để đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức.

Kể từ ngày 01/7/2019 Thông tư 03/2019/TT-BNV có hiệu lực đã đưa ra hướng giải quyết trong trường hợp quy trình tuyển dụng viên chức không đúng:

“Điều 5. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra phát hiện việc tổ chức kỳ thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức không thực hiện đúng quy định của pháp luật hoặc việc chấm điểm, tổng hợp điểm các bài thi có sai sót ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hoặc xét của thí sinh thì căn cứ kết luận thanh tra, kiểm tra, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hủy kỳ thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức không thực hiện đúng quy định đó hoặc hủy những bài thi, tổng hợp điểm thi hoặc xét có sai sót làm thay đổi kết quả thi hoặc xét; đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của Đảng và của pháp luật.

3. Trường hợp công chức, viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp hoặc kê khai không đúng sự thật để đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì bị xử lý kỷ luật theo quy định; đồng thời bị hủy kết quả thi nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp và hủy quyết định bổ nhiệm vào ngạch, chức danh nghề nghiệp viên chức (nếu có). Công chức, viên chức bị hủy quyết định bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp thì xếp lại ngạch, chức danh nghề nghiệp, bậc, hệ số lương đúng với ngạch, chức danh nghề nghiệp, bậc, hệ số lương hưởng khi được cử dự thi nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp”.

Như vậy, trường hợp quy trình tuyển dụng viên chức thực hiện không đúng quy định của pháp luật thì tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm sẽ có thể bị hủy kết quả tuyển dụng và yêu cầu tuyển dụng lại từ đầu. Tuy nhiên, nếu như quy trình tuyển dụng của bạn chỉ sai sót do thiếu “quyết định tuyển dụng” thì không có căn cứ để buộc bạn phải tham gia thi tuyển lại từ đầu.

CÓ THỂ BẠN THÍCH