Bàn Về Vấn Đề Trả Trợ Cấp Thôi Việc Đối Với Người Lao Động Nước Ngoài

Hiện nay số lượng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới các hình thức chuyên gian, lao động kỷ thuật, hợp đồng lao động đã chiếm một số lượng không nhỏ. Trong bài viết này, chúng tôi muốn bàn luận về việc khi nào phải trả hay không cần phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành dưới góc độ của người sử dụng lao động nước ngoài (DN).

  1. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc:

Theo quy định tại Điều 46 Bộ Luật Lao động 2019, thì trợ cấp thôi việc sẽ được trả cho người lao động nói chung và người lao động nói riêng nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện: (i) Hợp đồng lao động chấm dứt theo một số trường hợp cụ thể theo quy định; (ii) Người lao động đã làm việc thường xuyên cho DN từ đủ 12 tháng trở lên.

2. Căn cứ xác định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp hưởng trợ cấp thôi việc:

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 46 Bộ Luật Lao động nêu: Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì DN có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc.

DN cần căn cứ vào các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động nêu trên và điều kiện về thời gian làm việc để xác định nghĩa vụ trả trợ cấp cho người lao động.

3. Rất khó xác định nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nước ngoài của DN trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do hợp đồng lao động hết thời hạn (Điều 34.1) hay do giấy phép lao động hết hiệu lực (Điều 34.12).

Trước hết chúng tôi xin làm rõ 2 điểm:

Một là, căn cứ theo quy định tại Điều 151.2 Bộ Luật Lao động, Điều 10.1 Nghị định 152/NĐ-CP/2020: (i) thời hạn của giấy phép lao động không quá 2 năm; (ii) thời hạn trên giấy phép lao động luôn phải bằng đúng thời hạn thực hiện hợp đồng lao động; (iii) thời hạn hợp đồng lao động của người nước ngoài sẽ luôn luôn là loại hợp đồng có thời hạn, không quá 2 năm và không giới hạn số lần tái ký. Hai là, căn cứ theo quy định tại Điều 156.1 – 156.3 Bộ Luật Lao động, về các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực: (i) Giấy phép lao động hết thời hạn; (ii) Chấm dứt hợp đồng lao động; (iii) Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động.

Trường hợp 1: DN thực hiện đúng quy định, cụ thể: thời hạn của giấy phép lao đông = thời hạn của hợp đồng lao động, ví dụ: hợp đồng lao động kết thúc vào ngày 30.01.2022 và Giấy phép lao động hết hạn ngày 30.01.2022

Trong trường hợp này, bởi vì chưa có hướng dẫn cụ thể, khi chấm dứt hợp đồng lao động:

  • nếu doanh nghiệp xác định căn cứ chấm dứt do hết thời hạn hợp đồng lao động (Điều 34.1) thì DN có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc.
  • nếu doanh nghiệp xác định việc thôi việc do giấy phép lao động hết hiệu lực (Điều 34.12), thì DN không có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc do không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 46.1

Trường hợp 2: DN thực hiện không đúng quy định và cơ quan quản lý nhà nước không phát hiện, cụ thể, thời hạn của giấy phép lao động ngắn hơn hoặc dài hơn thời hạn hợp đồng lao động, thì tùy trường hợp thời điểm nào đến trước mà sử dụng làm căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động thì nghĩa vụ chi trả trợ cấp thôi việc của DN sẽ khác nhau, trong đó nếu sử dụng căn cứ chấm dứt do hết hiệu lực giấy phép lao động thì DN không có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc và ngược lại, nếu căn cứ sử dụng là do hợp đồng lao động hết hạn thì DN có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc.

Lưu ý: Khi DN thực hiện không đúng quy định về ký kết hợp đồng lao động cũng như xin giấy phép lao động cho người như trình bày ở trường hợp 2, DN cũng sẽ đứng trước rủi ro bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hay có thể xảy ra tranh chấp với người lao động, cụ thể:

  • Giấy phép lao động sẽ bị xem là hết hiệu lực Điều 156.3 và bị thu hồi, DN cần tiến hành xin phép giấy phép lao động mới cũng như điều chỉnh hợp đồng lao động cho phù hợp nếu vẫn muốn người lao động tiếp tục làm việc cho mình. Nếu không, thì hợp đồng lao động sẽ chấm dứt và không thuộc trường hợp trả trợ cấp thôi việc.
  • Ngoài ra sự chênh lệch về thời gian giữa hợp đồng lao động và giấy phép lao động sẽ đi kèm theo rủi ro bị tranh chấp với người lao động.

Trên thực tế hiện nay, chưa có tranh chấp giữa người lao động nước ngoài và người sử dụng lao động liên quan đến vấn đề trợ cấp thôi việc, có thể vì lý do sự am hiểu của người lao động nước ngoài đến pháp luật Việt Nam chưa nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xem xét để tuân thủ các vấn đề về thời hạn của hợp đồng lao động và giấy phép lao động, đồng thời các căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động, đặc biệt trong quá trình khi làm các thủ tục cho người lao động thôi việc, để tránh các tranh chấp về lao động xảy ra trong tương lai.

Nguồn: https://kienthucphaply.com/ban-ve-van-de-tra-tro-cap-thoi-viec-doi-voi-nguoi-lao-dong-nuoc-ngoai/

CÓ THỂ BẠN THÍCH